Làng gốm Thanh Hà, điểm sáng du lịch của xứ Quảng


Giới thiệu



Đăng bởi: Nguyễn Quốc Bình

lang-gom-thanh-ha-diem-sang-du-lich-cua-xu-quang-1

Làng nghề gốm Thanh Hà nằm tại xã Cẩm Hà, bên bờ sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, cách khu phố cổ Hội An chừng 3km về hướng Tây. Đây là một địa điểm có tiềm năng du lịch rất đặc biệt của tỉnh Quảng Nam, tính đến nay đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.

Ban đầu, làng nghề Thanh Hà mang tên Cẩm Hà, rồi chuyển thành Thanh Hóa, bởi nguồn gốc của người dân nơi đây là cư dân vùng Thanh Hóa xưa di cư vào. Dần dần, xuất hiện cụm từ Thanh Hà thay thế những tên gọi cũ và tồn tại cho đến ngày nay. Nằm bên một nhánh nhỏ của sông Thu, làng gốm Thanh Hà vẫn giữ riêng cho mình nét đơn sơ, giản dị như thuở sơ khai. Trong làng hiện còn khoảng hơn 60 hộ gia đình đang sống với nghề cha ông mình để lại. Những hộ này chủ yếu chế tác ra các sản phẩm nhỏ như tò he, các con vật nhỏ. Trong đó, nổi bật có một số hộ sản xuất gốm với quy mô lớn.

lang-gom-thanh-ha-diem-sang-du-lich-cua-xu-quang-2
Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà

Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất gốm Ngụy Trung Hậu, một cơ sở nổi bật trong làng. Cơ sở Ngụy Trung Hậu nằm ẩn mình giữa làng quê đất Quảng tại tổ 25, khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Đây là gia đình có truyền thống bốn thế hệ giữ gìn và phát triển nghề. Tại đây, trước kia vốn là một lò sản xuất gạch, sau đã chuyển sang làm gốm kết hợp làm du lịch. Chị Hậu, chủ cơ sở chia sẻ: “Làm nghề này, tâm lý cũng vui bởi hằng ngày được tiếp xúc với du khách gần xa, cũng có thêm thu nhập. Những ngày thưa khách thì cũng có chút gì đó buồn buồn…”. Theo lời cô Hậu, những ngày cao điểm, lượng khách đổ về đây có khi từ 1.000 đến 1.800 lượt, chủ yếu là du khách Hàn Quốc. Cơ sở Ngụy Trung Hậu làm tất cả các đồ vật từ những con tò he, những linh vật 12 con giáp, các loại tượng lớn nhỏ đến những đồ vật trang trí nhà cửa… để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đến đây, du khách có thể trực tiếp tham gia vào quá trình làm sản phẩm với sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân.

Để cho ra một sản phẩm vừa đẹp mắt vừa đủ chất lượng, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn, từ khâu chọn đất, phải là loại đất ven sông có đủ độ dẻo và chắc. Nhưng hiện tại, gia đình chị Hậu phải sử dụng đất cách cơ sở khoảng 30km do nguồn đất địa phương không đủ cung cấp. Bên cạnh đó, các công đoạn như nhào đất, tạo khuôn, phơi, luộc thành phẩm, nung, tráng men… đều được thực hiện thủ công nhằm tạo ra sản phẩm đạt chuẩn.

Với kinh nghiệm lâu năm và những sản phẩm đạt chất lượng, thẩm mỹ, cơ sở Ngụy Trung Hậu vinh dự được nhận nhiều giải thưởng như giải Nhất trưng bày sản phẩm gốm tại Lễ hội giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà năm 2017, giải Khuyến khích chế tác sản phẩm gốm năm 2017, giấy khen trong phong trào thi đua ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp năm 2017…

Có thể thấy, sự kết hợp giữa làng nghề gốm và hoạt động du lịch tại Thanh Hà đã giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn một làng nghề truyền thống và giữ gìn những giá trị văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác. Hằng năm, vào ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch, tại làng Thanh Hà lại tổ chức lễ hội về nghề gốm. Đây là dịp các hộ sản xuất gốm trưng bày các sản phẩm do mình tạo ra để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước.

Trường An

Theo tapchidulich.net.vn

Bài liên quan