Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam - 2019

Hồ Chí Minh
Đăng bởi: Nguyễn Quốc Bình

Nội dung

Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, ngày 12.4, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức Diễn đàn “Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam – 2019” với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn”.

dien-dan-nguon-nhan-luc-du-lich-viet-nam-2019-1
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo cấp cao đến tham dự diễn đàn vào sáng ngày 12/4/2019. (Ảnh:Quang Hiếu).

Tham dự diễn đàn có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.

Diễn đàn được tổ chức với mục đích là cầu nối cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo về du lịch có dịp gặp gỡ trao đổi tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam; đánh giá khách quan, toàn diện và khoa học nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam hiện nay; phân tích thực trạng và nhu cầu đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại diễn đàn, có 4 phiên thảo luận tập trung vào 3 chủ đề chính cụ thể và thiết thực như: Đánh giá tình hình thực trạng và quan điểm đổi mới đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch; hoạch định các chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; đào tạo và ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành du lịch.

Được biết, trong xu thế hội nhập và phát triển, hiện nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng đã ngày càng được nâng cao hơn. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn còn gặp những bất cập trong khâu tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cụ thể là: Quy mô đào tạo có tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế; hệ thống giáo trình thiếu sự cập nhật hay chưa thực sự phù hợp; chất lượng đội ngũ giảng viên chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của thực tiễn; chưa có sự liên kết chặt chẽ và đồng bộ giữa nhà trường và doanh nghiệp cùng các chủ thể cần liên kết… Mặt khác, các chính sách và hành lang pháp lý cho việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng cần được đổi mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành.

Theo thống kê sơ bộ của ngành Du lịch Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch (chiếm 2,5% tổng số lao động trong cả nước), trong đó có khoảng 20% chỉ được huấn luyện tại chỗ, chưa qua đào tạo chính quy với chất lượng mang tính chuyên nghiệp. Do vậy, cùng với tiến độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, đòi hỏi mỗi năm cần phải đào tạo thêm khoảng 25.000 lao động mới, kết hợp với công tác không ngừng đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có với số lượng tương tự. Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo về du lịch các cấp từ sơ cấp đến bậc đại học. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có 63 cơ sở đào tạo du lịch (với 24 trường Đại học, 20 trường Cao đẳng và 19 trường Trung cấp) cung cấp khoảng 3.000 lao động hàng năm cho cả nước. Như vậy, cùng với chủ trương phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực du lịch để có thể đảm bảo về chất lượng và số lượng là chuyện cấp thiết và không hề đơn giản, đòi hỏi phải chỉnh sửa ngay những vấn đề bất cập trong quy mô đào tạo, sự liên kết giữa cung và cầu của nhà trường và các doanh nghiệp, cùng những chính sách và hành lang pháp lý tạo điều kiện để phát triển và nâng cao nguồn nhân lực du lịch cả về chất và lượng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phát triển nguồn nhân lực làm trọng tâm. Hiện thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch, với 15% trình độ Đại học, 50% trình độ trung cấp cao đẳng, 5.400 hướng dẫn viên; phấn đấu đến 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy kinh tế xã hội và các ngành khác, sản phẩm đa dạng, đồng bộ có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực và đến 2030 sẽ thuộc nhóm địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. “Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng ngành du lịch vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhân lực, chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% so với nhu cầu. Bên cạnh đó, TP.HCM vẫn còn thiếu lực lượng hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ Đức, Hàn, Thái... làm hạn chế thu hút khách du lịch. Cùng với đó cơ chế chính sách còn thiếu, nguồn nhân lực cả nước và thành phố đối diện cạnh tranh từ nguồn nhân lực của quốc gia khác khi di chuyển lao động tự do. Vì vậy, Diễn đàn hôm nay là cơ hội để thảo luận giải pháp tháo gỡ các hạn chế trên. Thành phố kỳ vọng lắng nghe nhiều ý kiến, bài học thực tiễn về quản lý du lịch, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết Nhà nước và cơ sở đào tạo, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: Diễn đàn là một chương trình trọng tâm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội du lịch TPHCM – 2019, với mong muốn tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về du lịch. Diễn đàn năm nay cũng là cơ hội để những nhà quản lý đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và nỗ lực đưa TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho cả nước.

dien-dan-nguon-nhan-luc-du-lich-viet-nam-2019-2
Thủ tướng CP phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.(Ảnh:Quang Hiếu).

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến 3 chữ “C” để thực hiện chương trình đột phá, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn. Đó là các yếu tố:

- Con người: Cần chú trọng công tác nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch của người dân, đặc biệt là dân bản địa.

- Cơ sở hạ tầng: Phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng mềm, đặc biệt là văn hóa và hạ tầng thông minh như Chính phủ điện tử, thành phố thông minh… để phát triển du lịch.

- Chiến lược: Bộ VHTT&DL cần đưa ra tầm nhìn chiến lược dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm của ngành Du lịch cùng với các ngành để thực thi tốt, cân bằng được giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, trong đó có chiến lược về đào tạo lao động, để không có lúc thừa lúc thiếu, nhất là số lượng phải đi liền với chất lượng.

Thủ tướng mong muốn sau diễn đàn, các Bộ, Ban, ngành từ TW đến địa phương sẽ tìm ra được những câu trả lời thỏa đáng, phải xác định đúng bản chất vấn đề thì mới có thể tháo gỡ được những nút thắt, khó khăn; từ đó xây dựng chiến lược phát triển cho ngành đúng hướng và khả thi; đặc biệt là trong vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về lượng và chất để Du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình.

dien-dan-nguon-nhan-luc-du-lich-viet-nam-2019-3
Thủ tướng CP chứng kiến lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch (Ảnh:Quang Hiếu).

Tại diễn đàn, 9 trường đại học đào tạo du lịch tại TP. HCM đã ký kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Ngoài ra, Trường Đại học Hoa Sen cũng ký kết hợp tác đào tạo nhân lực du lịch cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Được biết, dự kiến sau sự kiện lần này, diễn đàn sẽ tiếp tục được duy trì và sẽ tiến hành tổ chức 2 năm một lần.

Theo tapchidulich.net.vn

Bài liên quan