Tranh Đông Hồ sắc màu truyền thống


Giới thiệu



Đăng bởi: Nguyễn Quốc Bình

tranh-dong-ho-sac-mau-truyen-thong-1
Làng tranh Đông Hồ. Ảnh: Hồng Được

Nói đến chơi tranh dịp tết, nhiều người sẽ nhắc ngay đến tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ. Làng Đông Hồ (dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, nằm trên bờ Nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ - thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Cứ mỗi dịp tết đến xuân sang, bà con, du khách thập phương đổ về mua tranh đông vui, tấp nập. Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh được mang bán cho những lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo tết để cầu mong bình yên, phú quý cho gia đình. Chợ tranh làng Hồ - chợ Hồ trở nên nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp với năm phiên họp vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26. Bởi thế, những người trong làng dù có đi làm ăn khắp nơi vẫn luôn nhớ nằm lòng câu ca:

Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh

tranh-dong-ho-sac-mau-truyen-thong-2
Nghệ nhân tranh Đông Hồ. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Mai

Nét đặc sắc của tranh Đông Hồ chính là chất liệu làm tranh, được chế biến thủ công từ các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên: giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, vỏ điệp… Trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy người Bắc Ninh đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ việc trộn lẫn các màu. Để hoàn thành một tác phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Mọi giai đoạn đều thật công phu nên đòi hỏi người làm tranh luôn cẩn trọng, cầu kỳ, chú ý đến từng chi tiết nhỏ để có được một bức tranh đẹp.

Trải qua nhiều thăng trầm, làng tranh Đông Hồ nay cũng thay đổi nhiều, người dân làm tranh đã chuyển dần sang làm hàng mã. Nghề làm tranh tồn tại yếu ớt, chỉ còn lẻ tẻ một vài gia đình bám trụ với nghề, trong đó có gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Là người gắn bó cả đời với tranh cổ nên với vị nghệ nhân già, tranh Đông Hồ chính là cuộc sống, là hơi thở của ông. Ông tâm sự, mặc dù nghề tranh đang bị mai một nhưng niềm an ủi lớn nhất lúc cuối đời chính là việc con cháu đều quyết tâm theo nghề và ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Nghệ nhân Sam đã lưu lại được hơn 600 bản khắc cổ và sáng tạo một số bản khắc mới vừa mang tính dân gian vừa mang tính hiện đại. Nhiều khách du lịch nước ngoài hỏi mua với giá rất cao để mang về nước trưng bày, ông cũng không bán bởi lý do: “Khi nào làng tranh trở lại ngày xưa, tôi xin tặng lại cả cho những người tâm huyết”.

tranh-dong-ho-sac-mau-truyen-thong-3
Hoàn thiện tranh Đông Hồ. Ảnh: Trần Thanh Hải

Ngày nay, về với làng tranh Đông Hồ, du khách có thể tìm đến gia đình các nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế, Trần Nhật Tấn…, những nơi được xem là trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có tới 150 đề tài tranh khác nhau, bên cạnh những mẫu tranh dân gian cổ, nhiều sáng tạo mới mẻ cùng những sản phẩm mới từ tranh Đông Hồ như lịch, bưu thiếp, sổ tay nho nhỏ… đang chiếm được cảm tình của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến mảnh đất văn vật hữu tình này.

Tranh Đông Hồ phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gắn liền với văn hóa người Việt nên có được sức sống lâu bền và sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài. Nên chăng, Nhà nước cần có chính sách xây dựng, tổ chức lại làng tranh Đông Hồ truyền thống, để du khách trong và ngoài nước lại thấy được cái không khí cổ truyền của làng tranh xưa.

Minh Tú

Theo tapchidulich.net.vn

Bài liên quan